Đầu tư vào Việt Nam đã trở thành một xu hướng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Tại thị trường châu Âu, hơn 90% doanh nghiệp Đức tiếp tục mở rộng & đầu tư vào Việt Nam cho dù nền kinh tế có nhiều biến động & thử thách theo phòng Thương mại & Công nghiệp Đức. Đồng thời, doanh nghiệp châu Âu tăng cường hợp tác với ASEAN để đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen xanh, chip bán dẫn, nghiên cứu & phát triển, trí tuệ nhân tạo và robot. Điều này đồng thời đặt ra nhu cầu cao cho các doanh nghiệp về việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo & đạt chứng chỉ Carbon đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào các thị trường Châu Âu & Bắc Mỹ.
Tại khu vực Châu Á, Nhật Bản & Hàn Quốc có xu hướng chậm quyết định đầu tư vào Việt Nam do vấn đề nội tại của nền kinh tế. Trái lại, Đài Loan lại đang tăng cường đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực điện – điện tử, gia dụng công nghiệp và ô tô điện. Đáng chú ý, các doanh nghiệp phụ trợ của Đài Loan dự kiến sẽ đầu tư vào tỉnh miền Bắc Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tăng cường việc thiết lập cơ sở mới ngoài nước để tận dụng lợi thế thương mại & đáp ứng yêu cầu xuất xứ hàng hóa từ nước chủ nhà. Sự tăng cường đầu tư từ Đài Loan và quyết tâm của Trung Quốc tạo ra nhiều cơ hội mới và chuyển đổi cho nền kinh tế Việt Nam.
Tại thị trường Mỹ, các doanh nghiệp đang tiến hành dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và cắt giảm 30% đơn hàng dệt may, da giày từ thị trường lớn sang các quốc gia khác nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia khác thu hút đầu tư và mở rộng quy mô kinh doanh của mình, mà còn tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng quy mô kinh doanh và khám phá tiềm năng thị trường mới.