BÌNH DƯƠNG KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
BÌNH DƯƠNG KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao, hàng năm nhu cầu điện tăng trưởng khoảng 12%. Bên cạnh đầu tư, nâng cấp công suất của ngành điện để đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Bình Dương đang khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo vì mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.

Theo Sở Công thương tỉnh Bình Dương, tình hình đầu tư phát triển, cung cầu và an ninh năng lượng trên địa bàn tỉnh hiện bao gồm: Than, dầu, khí, thủy điện và các dạng năng lượng tái tạo để phục vụ cho việc huy động lập các dự án trong quy hoạch. Hiện có nhà máy thủy điện Phước Hòa (huyện Phú Giáo), công suất 12,5 MW; nhà máy thủy điện Minh Tân (huyện Dầu Tiếng), công suất 5 MW. Bên cạnh là nhà máy phát điện trong Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore sử dụng dầu DO và HFO, công suất 16 MW, nhà máy phát điện sử dụng than của Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương có công suất 60 MW và đồng phát điện công suất 3 MW sử dụng các nguồn nhiên liệu, như: Rác giấy, bùn thải, than và một số loại nhiên liệu khác với khối lượng sử dụng 220 tấn/ngày.

Khu vực tỉnh Bình Dương có số giờ nắng trung bình trong năm khá cao, khoảng 2.400 giờ/năm, được đánh giá có tiềm năng tốt để phát triển các dự án điện mặt trời. Theo Sở Công thương, thời gian qua tỉnh đã triển khai thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển điện mặt trời của Thủ tướng Chính phủ đến các chủ đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh… trên địa bàn nhằm tận dụng tối đa nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo góp phần nâng cao hiệu quả và chủ động trong việc cung cấp điện.

Điện mặt trời mái nhà, nguồn năng lượng sạch, tái tạo đang được khuyến khích phát triển vì mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững

Theo Sở Công thương tỉnh Bình Dương, sự chuyển dịch năng lượng của tỉnh theo xu hướng chung của thế giới vì nền sản xuất xanh, sản phẩm xanh, sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trong phát triển năng lượng tái tạo nhất là mức độ ổn định, giá thành, nguồn lực tài chính, đồng bộ truyền tải, công nghệ, thiết bị, sử dụng đất đai, mặt nước, bảo vệ môi trường. Hiện nay, giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo đang cao hơn so với nguồn điện năng lượng truyền thống nhiệt điện, thủy điện. Ngoài ra, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại thường chưa sẵn sàng cho vay đối với các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng cho biết, nhằm thực hiện mục tiêu chung của quốc gia đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon, trong giai đoạn tới, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung phát triển năng lượng xanh, sạch, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện rác, thủy điện & kiến nghị cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch sắp cạn kiệt.

Contact Me on Zalo