HỢP TÁC VỚI CHÂU ÂU VỀ CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT XANH
HỢP TÁC VỚI CHÂU ÂU VỀ CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT XANH

Hội nghị tích hợp trực tuyến kết nối công nghệ xanh

Bình Dương, ngày 23/03/2021

Tiếp nối Hội nghị tích hợp trực tuyến “Đối thoại Châu Âu – Đông Nam Á về việc lập bản đồ Đổi mới công nghệ xanh cho sản xuất bền vững” là một trong những chương trình nằm trong sáng kiến “E-READI” triển khai sáng kiến Đối thoại giữa Ủy ban Châu Âu – ASEAN nhằm lập “Đề án Công nghệ Xanh và Đổi mới sáng tạo” (GreenTech), sự kiện hội nghị chính mang tên “Ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất và Cơ hội hợp tác chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp Châu Âu” đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm tỉnh Bình Dương vào ngày 23 tháng 3. Hội nghị cung cấp cho người tham gia các cơ hội bổ sung thông tin trong hai phiên họp toàn thể kéo dài 4 giờ (sáng và chiều). Đặc biệt, sự kiện có sự hiện diện của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu, đại sứ Châu Âu tại Việt Nam và các nước láng giềng ASEAN cùng các doanh nghiệp đến tham dự để tìm hiểu về các chiến lược Tăng trưởng xanh, nghe về các ví dụ thực tiễn tốt nhất về các Nhà sáng tạo Xanh thành công và hiện đại, lấy cảm hứng bằng các bài thảo luận bổ sung về Thỏa thuận Xanh, chiến lược mới của Châu Âu về Tăng trưởng Xanh và về các cơ hội đổi mới vượt ra ngoài biên giới trong hợp tác dựa trên Công nghệ Xanh toàn ASEAN. 

 

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương đã phát biểu: “Triển khai đề án Thành phố thông minh Bình Dương từ năm 2016, Bình Dương từng bước xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương chú trọng phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nền tảng khoa học và công nghệ để hướng đến hiệu quả tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Năm 2021, Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) công bố Bình Dương 1 lần nữa được vinh danh trong top 21 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh (TPTM) tiêu biểu. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Bình Dương được danh hiệu này”. Theo ông, hiện nay tỉnh đang đứng thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, chiếm 9.1% vốn FDI của cả nước. Ngoài ra, Bình Dương đang tiếp tục thúc đẩy mạnh và không ngừng phát triển TPTM, với các đề án lớn như Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương (World Trade Center Binh Duong New City) và Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ; quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số, sản xuất thông minh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. 

Theo TS.Nguyễn Việt Long – Q.Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Dương, cơ sở hạ tầng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thu hút công nghệ sản xuất vào Việt Nam, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Châu Âu. Ở đây, cơ sở hạ tầng không chỉ là hạ tầng giao thông mà còn là nguồn nhân lực. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nền tảng kết nối là điều tất yếu để dẫn đến việc nâng tầm cho cả chuỗi cung ứng và sản xuất. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò là người đại diện, tạo cơ chế khuyến khích ứng dụng và tăng cường kết nối “Ba nhà” (nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà trường), với định hướng lấy doanh nghiệp làm trọng tâm và chú trọng vào xây dựng nguồn nhân lực.

Vấn đề thứ hai trong việc phát triển công nghệ tại Việt Nam là phải tạo được động lực để doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng trong việc đổi mới. Mà hệ thống cơ sở hạ tầng lại chính là phương tiện để thu hút doanh nghiệp nước ngoài, cập nhật công nghệ mới, để doanh nghiệp trong nước nỗ lực cải thiện, xanh hóa với mục tiêu đạt tiêu chuẩn thế giới và trở thành nhà cung ứng. WTC Thành phố mới Bình Dương cũng là một trong những ví dụ trong việc tạo ra động lực thúc đẩy, với vai trò tạo cơ hội tiếp cận công nghệ và kết nối chuỗi cung ứng, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo mang tầm khu vực.

Thông qua Thỏa thuận Xanh châu Âu, EU nhìn nhận hành động đối với biến đổi khí hậu và môi trường là một ưu tiên cấp thiết. Được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư vào công nghệ xanh, giải pháp bền vững và doanh nghiệp sáng tạo, Thỏa thuận Xanh là chiến lược tăng trưởng mới của EU. Trên hết, thỏa thuận đặt ra định hướng cho quá trình chuyển đổi bền vững. Với sự tham gia và cam kết của tất cả mọi người hướng tới sự thành công, sáng kiến chuyển đổi sẽ không để lại một cá nhân hay khu vực nào. Do đó, EU hỗ trợ ASEAN và các quốc gia thành viên với các sáng kiến liên quan đến khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn môi trường, bao gồm bảo vệ đa dạng sinh học, phòng ngừa và ứng phó với thiên tai. 

Trong buổi hội nghị, Giáo sư Tang Beng Hee Reginald – Giám đốc Điều hành Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật đã phát biểu Bình Dương hứa hẹn sẽ là điểm đến tiếp theo cho việc chuyển giao Công nghệ sản xuất xanh.

Kết thúc buổi hội nghị, ông Songsivilai – Chánh văn phòng Bộ GIáo dục, khoa học, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Thái Lan phát biểu “Rất vui vì quý vị đã tổ chức một hội nghị hiệu quả về phát triển bền vững. Tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu đã đề ra thông qua hợp tác và phát triển giữa các bên. Tôi xin chúc sức khỏe và hẹn lần gặp tiếp theo”. Ông Hans Farnhammer, Trưởng ban hợp tác, Phái đoàn Châu Âu tại Indonesia, Brunei, Darussalam và ASEAN nhấn mạnh sản xuất xanh là cốt lõi cho phát triển bền vững và cũng hy vọng chương trình lần này sẽ là nền tảng cho các sự kiện tiếp theo.

 

Contact Me on Zalo